Câu chuyện về chú chó trung thành đợi chủ Hachiko đã đưa tên tuổi của giống chó Akita – mệnh danh là Quốc Khuyển Nhật Bản nổi tiếng trên toàn thế giới. Vẻ ngoài quý tộc cùng tính cách thân thiện, trung thành khiến Akita lại càng trở lên được yêu thích hơn. Nhắc đến chó Akita thì ai cũng từng nghe qua, tuy nhiên Akita gồm 2 dòng chó khác nhau là Akita Nhật và Akita Mỹ thì không phải ai cũng biết. Do đó, bài viết hôm nay chúng mình sẽ chia sẽ thông tin về giống chó Akita Mỹ cũng như xem chúng khác gì so với chó Akita Nhật, cùng đón đọc nào!
Lịch sử ra đời của giống chó Akita Mỹ
Nguồn gốc
Akita Mỹ (American Akita) có nguồn gốc từ chó Akita Inu của Nhật. Chúng được phát triển vào giữa thế kỉ 20 xuất phát từ những chú chó Akita Inu mang về nơi xứ sở hoa anh đào. Akita Inu Nhật Bản ngày nay mang tương đối ít gen từ chó phương Tây và đặc điểm của giống Spitz sau khi tái tạo giống, tuy nhiên giống Akita Mỹ đã kịp phân nhánh từ Akita nguyên bản trước khi được khôi phục, và do đó Akita Mỹ là chủng được lai tạo và không được coi là giống Akita chuẩn theo tiêu chuẩn Nhật Bản.
Sự xuất của chó Akita đầu tiên tại Mỹ
Tại sao một giống chó có xuất xứ lâu đời tại Nhật lại được người dân Mỹ biết đến và phát triển như một giống chó riêng biệt? Vậy ai là người đầu tiên quảng bá chó Akita đến Mỹ? Theo ghi chép, vào năm 1937, Helen Keller – một nữ văn sĩ, diễn giả nổi tiếng của Mỹ có chuyến du lịch đến Nhật Bản, trong chuyến đi ấy bà đi tham quan tỉnh Akita và vô tình biết được câu chuyện về lòng trung thành của chú chó Hachiko. Nhà văn Henlen Keller khi ấy đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến giống chó này và đã được tặng hai con Akita. Con Akita đầu tiên do ông Ogasawara tặng cho bà và đặt tên là Kamikaze-go, đã chết khi được 7 tháng rưỡi vì bệnh sốt ho sau khi bà trở về Mỹ được một tháng. Con Akita thứ hai đã được sắp xếp để gửi cho Keller chính là em của chú chó Kamikaze-go, Kenzan-go.
Quá trình được công nhận của chó Akita Mỹ
Thế chiến II đã đẩy Akita đến bờ vực tuyệt chủng. Giai đọan đầu của cuộc chiến tranh, chúng bị thiếu thức ăn bổ dưỡng. Rất nhiều chú chó đã bị giết để lấy thịt do người dân đói khát, và da của chúng được sử dụng làm quần áo. Cuối cùng, chính phủ đã ra lệnh giết tất cả những con chó còn lại để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch. Cách duy nhất mà chủ sở hữu có thể cứu những chú Akita yêu quý của họ là thả chúng ở những vùng núi xa xôi, nơi chúng được lai tạo với loài tổ tiên của chúng, Matagi, hoặc che giấu chúng khỏi chính quyền bằng cách lai tạo với giống chó Becgie Đức và đặt tên cho chúng theo phong cách của giống Becgie Đức thời đó. Đây cũng là lúc giống chó Akita Inu thuần chủng bị phân nhánh.
Các quân nhân Hoa Kỳ chiếm đóng ở Nhật Bản đã được tiếp xúc với Akita lần đầu tiên và giống chó này đã gây ấn tượng với họ đến nỗi nhiều người đã đưa Akita về nhà sau khi họ hoàn thành chuyến công tác. Các quân nhân Mỹ thường bị ấn tượng với giống chó Akita lai với Béc giê kiểu gấu hơn so với những giống chó như Akita Inu thuần chủng được khôi phục. Do đó, khi những chú Akita này về đến Mỹ người ta tiếp tục phát triển chúng thành nhánh chó riêng để thích nghi với điều kiện khí hậu và mục đích nuôi bằng cách lai chúng với chó chăn cừu và chó chiến đấu Đức. Akita Mỹ được nhân giống rộng rãi cũng bắt đầu từ đó.
Được công nhận bởi Câu lạc bộ chó giống Mỹ năm 1955, Akita Mỹ được xếp vào lớp Hỗn hợp. Mãi đến cuối năm 1972, AKC mới chấp thuận tiêu chuẩn của American Akita và nó đã được chuyển sang lớp chó lao động. Vì vậy, Ameriacan Akita là một giống chó khá mới ở Hoa Kỳ. Năm 1993 các nhà lai tạo đề xuất việc chia hai loại này thành dòng chó riêng biệt nhưng phải đến ngày 1/6/1999, tại World Dog Show tổ chức ở Mexico City, 2 giống chó này chính thức được đưa ra thi đấu trên cương vị là 2 giống chó riêng biệt. Người ta gọi chó Akita tại Mỹ là “Japanenest Dog hay Great Japanenest Dog – GJD” còn Akita Nhật gọi là “Akita Inu”. Cho đến tháng 7 năm 2005, tên gọi “Great Japanenest Dog” được đổi thành ‘American Akita’ hay ‘Akita Mỹ’. Cách gọi này có hiệu lực từ tháng 1 năm 2006 đến ngày nay.
Một số đặc điểm của chó Akita Mỹ
Mõm: Rộng, hình hộp vuông, đầy đặn. Tỉ lệ mõm so với hộp sọ là 2/3. Viền môi xung quanh miệng màu đen không bị chảy xệ, lợi hồng.
Điểm giao giữa mõm và trán: Thẳng, rõ ràng.
Mũi: To đa phần màu đen. Mũi hồng chỉ được chấp nhận ở chó Akita màu trắng.
Tại: Hình tam giác hơi tròn ở phần ngọn, dựng thẳng và nhỏ so với đầu.
Mắt: Sẫm màu thường là màu đen hoặc nâu sẫm. Nhỏ và sâu, thêm vào đó mí mắt chặt kín, màu đen.
Răng: Chắc khỏe, vết cắn dạng hình cắt kéo.
Cổ: Tương đối ngắn mở rộng dần về phía vai, dày và khá cơ bắp.
Đuôi: Cao, dày, cuộn trên lưng; chóp đuôi gần chạm tới hông khi buông xuống.
Bàn chân: Dày, tròn, khít, đệm thịt dày có dạng như chân mèo.
Bộ lông: Bộ lông kép dày. Lớp bên trong mềm, min, phủ kín cơ thể, ngắn hơn lớp lông ngoài. Lớp lông ngoài sợi hơi thô, thẳng, một số chỗ ngắn ép sát thân. Lông ở đầu, tai và chân ngắn. Chiều dài lông ở u vai và mông xấp xỉ 5 cm, là 2 nơi có lông dài nhất trên cơ thể sau đuôi. Đuôi là nơi có lông dày nhất, nhiều nhất và xù nhất.
Tính cách
So với Akita Nhật thì tính cách của Akita Mỹ cũng tương tự và không có nhiều khác biệt. Chúng thân thiện, ngoan ngoãn, tận tụy và trung thành với chủ nhân. Tuy nhiên đôi khi khá độc lập nên tỏ ra hung dữ với người lạ. Do vậy cần được xã hội hóa từ nhỏ để trở thành người bạn đồng hành thông minh và tình cảm.
Giá chó
Trở lại đây khoảng 4-5 năm chó Akita Mỹ mới bắt đầu được du nhập vào Việt Nam. Nhưng do khách hàng có xu hướng chuộng Akita Nhật hơn nên những chú chó này không được nhân giống và nuôi phổ biến. Rất ít người nuôi Akita Mỹ để phục vụ sinh sản. Chỉ những nhà nhân giống hay những người chơi thú cưng cá tính mới tìm đến giống chó độc lạ này. Trung bình giá nhập khẩu một chú chó Akita Mỹ rơi vào khoảng 2000$-3500$.
Phân biệt chó Akita Mỹ và Akita Nhật
Có chung nguồn gốc tổ tiên nên giữa Akita Mỹ và Akita Nhật cũng có điểm chung nhất định. Tuy nhiên, do được lai tạo cũng như trải qua quá trình sinh sống với điều kiện khác nhau nên đã tạo ra sự khác biệt đáng kể. Người ta thường phân biết chó Akita Mỹ và Akita Nhật qua đặc điểm ngoại hình và màu lông, cụ thể:
Kích thước
- Đối với cá thể cái: Trung bình một chú chó Akita Nhật trưởng thành chiều cao đạt từ 58-64 cm, cân nặng đạt mức 23-29 kg. Trong khi đó cũng với chó cái nhưng chó Akita Mỹ chiều cao dao động trong khoảng từ 61-66 cm, mức cân nặng tương ứng là 36-54 kg.
- Đối với cá thể đực: Chiều cao trung bình của Akita Nhật là 64-70 cm, cân nặng đạt ngưỡng 32-39 kg. Còn chó Akita Mỹ chiều cao trong khoảng từ 66-71 cm, cân nặng đạt 45-66 kg.
Số liệu đã nói lên rằng kích thước của Akita Mỹ to hơn hẳn so với Akita Nhật với bộ ngực nở nang và săn chắc.
Phần đầu
Akita Mỹ có phần đầu lớn nhìn từ trên xuống có hình tam giác tù, hơi có các nếp nhăn trông khá giống với đầu gấu. Đôi mắt nhỏ nằm sâu trong hộp sọ. Ngược lại Akita Nhật lại mang phần đầu nhỏ hơn khá giống với loài cáo, đôi mắt hình quả hạnh hơi sếch.
Mõm rộng, vuông đầy đặn là đặc điểm phần mõm của chó Akita Mỹ. Tỉ lệ giữa mõm và hộp sọ của Akita Nhật là 50:50, của chó Akita Mỹ là 40:50. Do đó kết luận rằng mõm chó Akita Mỹ ngắn hơn Akita Nhật.
Màu lông
Nếu Akita Nhật chỉ được công nhận với 5 màu sắc lông riêng biệt là: màu đỏ, nâu vàng, vừng, vện, trắng tuyền thì chó Akita Mỹ lại có màu lông khá đa dạng từ màu đơn sắc tới vằn vện cho đến các tông màu trắng, xám, nâu. Và đa số chó Akita Mỹ đều có phần lông mặt màu đen.
Trên đây là toàn bộ thông tin cơ bản về đặc điểm của giống chó Akita Mỹ. Mong rằng khách hàng có thể nhận dạng và phân biệt được chó Akita Mỹ cũng như là Akita Nhật. Nếu bạn còn biết thêm thông tin thú vị nào về chó Akita Mỹ hãy chia sẽ với chúng mình bằng cách để lại comment bên dưới bạn nhé. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.