5 giác quan của chó – Những điều cần biết

5 giác quan của chó – Những điều cần biết

Hiểu biết cơ bản về giác quan của chó không những giúp chúng ta chăm sóc sức khỏe, huấn luyện chó, mà còn tận dụng các khả năng phi thường của loài vật đặc biệt này hỗ trợ hiệu quả cho con người.

1.THỊ GIÁC

  • Khả năng nhìn vào ban đêm của chó tốt hơn người rất nhiều vì tế bào võng mạc mắt của chó có thể hội tụ cả hai loại ánh sáng rực rỡ ban ngày và lờ mờ của đêm tối. Điều quan trọng này giúp chó săn mồi và bảo vệ tốt vào ban đêm. Góc nhìn của mắt chó rất rộng vì hệ cơ điều khiển con ngươi linh hoạt và mềm dẻo, nhiều khi không cần quay đầu mà chó có thể đảo mắt về các phía, quan sát kỹ lưỡng, giúp phản ứng nhanh và giữ bí mật, giảm thiểu cử động cơ thể.
  • Mắt chó có 3 mí, khi không cần thiết chỉ đóng 1 mí chắn bụi mà vẫn không ảnh hưởng lắm tới khả năng nhìn.
  • Nước mắt chó có khả năng ô-xy hóa và sát trùng rất mạnh, việc tiết nhẹ chất nước trong để bảo vệ mắt và tống khứ được bụi bẩn trong điều kiện hoang dã của môi trường.
Ở giác quan này cho thấy mắt chó có khả năng nhìn ban đêm cực tốt
  • Mắt chó thực sự là một camera hoàn hảo gửi hình ảnh và được xử lý ngay lập tức trong vùng thị giác bán cầu đại não với tốc độ tức thì chỉ đạo các bộ phận cơ thể thực hiện kịp thời các động tác: cắn xé, chạy, sủa hoặc tình cảm âu yếm.
  • Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về khả năng phân biệt màu của chó. Câu hỏi “Liệu chó có bị mù màu?” được tranh luận sôi nổi. Quan niệm “mù màu” ở chó là không đúng. Thực tế chó nhìn được màu sắc nhưng khả năng phân biệt đủ các màu không được như con người. Lý do vì ở người có 3 loại tế bào thị giác phân biệt màu sắc, nhưng chó chỉ có 2 loại.

2. THÍNH GIÁC

  • Khả năng nghe của chó gấp hai lần con người. Phản ứng đáp ứng sau khi nghe nhanh gấp hai lần rưỡi con người.
  • Chó có khả năng nghe được sóng siêu âm nên người ta dùng còi siêu âm để dạy chó.
  • Khả năng phân biệt âm thanh là giác quan tuyệt hảo của chó. Tiếng suỵt, huýt sáo hay tiếng chút chít của động vật, ri rỉ của côn trùng đều được xử lý vào “bộ nhớ” và nhận biết được khi nghe lại lần khác. Các khẩu lệnh dạy chó cần được phát lại chuẩn, như nhau thì mới có hiệu quả.

3. KHỨU GIÁC

  • Có thể đánh giá khả năng ngửi, đánh hơi của chó là một giác quan quan trọng nhất trong 5 giác quan. Không chỉ ngửi mùi vị phân biệt thức ăn, chó còn dùng mũi để ngửi phát hiện con mồi đi săn. Định vị mình đang ở đâu? Để thông tin với nhau trong cộng đồng. Tìm bạn tình hoặc phân biệt con đẻ với những con chó con lạ. Một con chó đực có thể nhận biết các “cô ả xinh đẹp” đang đến kỳ động dục đỉnh điểm trong vòng bán kính… 3 km ! Vì vậy nhiều khi chủ chó rất lạ vì xung quanh hàng xóm không nuôi chó mà sao chó vẫn “mang bầu”!
  • Không cần “nếm”, chỉ ngửi thức ăn, chó có thể quyết định ăn hay từ chối ăn.
  • Nhạy cảm, nhận biết mùi của chó nhanh gấp 1 triệu lần khả năng của con người vì chó có hơn con người 40 lần số tế bào khứu giác trong bán cầu đại não, thể tích vùng nhận cảm khứu giác ngửi của chó là 150 cm3 trong khi con người chỉ có 3 cm3.
  • Giống chó có ống mũi dài như Cocker, GSD, Dachshund… khả năng ngửi, đánh hơi tốt hơn các giống chó khác. Chó Cocker và GSD được huấn luyện nghiệp vụ phát hiện ma túy và nhận biết dấu vết tội phạm.
  • Một số mùi thơm mà đối với người rất dễ chịu: nước hoa, shampoo, rượu… thì chó cực ghét và ngược lại chó rất thích ngửi mùi… dễ sợ: phân hôi thối, xác chết. “Ngày xưa người ta nuôi chó không chỉ để giữ nhà mà còn … dọn phân trẻ con” ( theo Bảo Sinh Nguyễn)! Nhiều khi chó tha chất rác bẩn về nhà làm chủ khó chịu. Nhưng cũng có ích khi con người tận dụng khả năng này cho cứu hộ thiên tai, động đất, bão tố.

4. VỊ GIÁC

  • Là giác quan liên kết hữu cơ với khứu giác, đồng thời ngửi rồi mới quyết định nếm, liếm thức ăn hay âu yếm bạn tình hoặc chủ.
  • Chó thích ăn thức ăn giống nhau hàng ngày. Điều này quan trọng với chủ chó quyết định khẩu phần và thời gian cho chó ăn.
  • Số lượng tế bào thần kinh vị giác ở niêm mạc lưỡi chó ít hơn 12 lần so với người, phải chăng khả năng ngửi quá tốt đã làm giảm nhiều chức năng của tế bào này!

5. XÚC GIÁC

  • Chó khá nhạy cảm với sự thay đổi thời tiết và vùng khí hậu của môi trường. Cảm giác đau đớn, bị lạnh, nóng được nhận biết từ các đầu mút thần kinh bộ da truyền tin vào vỏ đại não được xử lý bằng phản ứng run rẩy, dựng lông. Chó nhạy cảm với lạnh hơn là nóng mặc dù nóng nực làm chó tăng tiết dịch, dãi và tăng hô hấp.
  • Các gan bàn chân chó không có ý nghĩa lắm về xúc giác như cảm giác bàn tay của con người.