Kinh nghiệm nuôi chó Alaska con sao cho phù hợp với khí hậu Việt Nam

Kinh nghiệm nuôi chó Alaska con sao cho phù hợp với khí hậu Việt Nam

Là một người yêu cún thì chắc hẳn ai cũng đã từng siêu lòng trước vẻ đẹp quý tộc của chó Alaska Malamute. Hơn nữa, tính cách thân thiện, trung thành của chúng khiến người ta muốn sở hữu một em ngay lập tức. Mua một chú chó về thì không khó nhưng để chăm sóc sao cho khỏe mạnh, đúng chuẩn thì lại là một câu chuyện khác, nhất là với chó Alaska con. Đừng lo, nỗi lo lắng của bạn sẽ được giải quyết ngay sau đây, hãy cùng Tùng Lộc Pet tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nào.

Kinh nghiệm khi bắt đầu nuôi chó Alaska con

Chọn nuôi các bé chó Alaska con từ 2 tháng tuổi trở lên

Nếu bạn đang có ý định nuôi một chú chó Alaska Malamute thì việc tìm hiểu cách chăm sóc chúng là điều vô cùng cần thiết. Bởi như đã biết đây là giống chó đến từ vùng đất gần Bắc Cực, nơi có điều kiện khí hậu vô cùng khắc nghiệt, quanh năm băng giá. Đối với một đất nước có nền khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam thì nuôi Alaska quả là thách thức lớn, nhất là những chú chó được nhập từ Châu Âu vấn đề sốc nhiệt được quan tâm hàng đầu. Do đó, để nuôi chó Alaska con lớn khôn khỏe mạnh thì chủ nuôi cần tuần thủ một số lưu ý sau:

Đầu tiên, chúng mình khuyên các bạn nên đón các bé vào thời điểm mùa thu mát mẻ hoặc mùa đông thì càng thuận lợi. Với các bạn chưa có kinh nghiệm nuôi hay nhập khẩu chó về thì lại càng phải tránh mùa hè nóng nực. Chó con sức đề kháng yếu lại đang quen khí hậu mát mẻ nên rất dễ xảy ra sốc nhiệt.

Hãy chọn nuôi chó con từ 2 tháng tuổi trở lên. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh thú cưng, Tùng Lộc Pet nhận thấy 2 tháng tuổi luôn là thời điểm phù hợp nhất để xuất chuồng các bé cún, là lúc để đưa các bé về tay chủ nhân. Ngay cả khi mua ở các địa chỉ bán chó mèo khác thì bạn cũng sẽ thấy điều tương tự. Đây là khoảng thời gian chó Alaska bắt đầu cai sữa mẹ và chuyển sang ăn dặm. Dần dần tách mẹ, Alaska con lúc này được tiếp xúc, học hỏi về thế giới xung quanh. Vậy nên, thời gian này không chỉ thuận tiện cho việc dạy dỗ, huấn luyện mà bạn cũng sẽ nhận được tình cảm gắn bó từ các bé hơn so với khi chúng lớn hay đã qua tay một người chủ nào đó. Nuôi chó thời điểm dưới 2 tháng tuổi e rằng các bé sẽ yếu và khó phát triển toàn diện.

Alaska con cần được ở trong không gian thoáng đãng bởi xuất thân là giống chó lao động nên chúng cực kì ưa thích vận động, chạy nhảy mà chó con thì bé nào cũng nghịch rồi, do vậy lưu ý tạo cho Alaska không gian sống thoải mái nhất nhé. Ngoài ra, chuồng nuôi phải được đặt nơi sạch sẽ, mát mẻ, khô ráo, mùa hè tránh để các bé đùa nghịch quá nhiều hay chơi dưới thời tiết nóng nực tốt nhất là giữ Alaska con trong phòng điều hòa và cho ra chơi khi chiều mát tắt nắng.

Bộ lông kép dày tuyệt đẹp khi về nước ta lại là nhược điểm của Alaska. Để thích nghi lông chúng đã rụng đi đáng kể. Cho nên, cắt tỉa lông như một biện pháp hữu ích giúp bộ lông Alaska luôn gọn gàng, thông thoáng.

Để giải nhiệt vào những ngày hè oi bức thì bên cạnh bổ sung nước, hoa quả cần tắm gội cho Alaska. Tắm khoảng 1 lần/tháng, thời tiết không quá nóng thì bạn có thể giảm cường độ xuống.

Cho Alaska con ăn như thế nào?

Khi còn nhỏ chủ nuôi cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của chó Alaska con, bởi chăm sóc không tốt sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình phát triển về sau. Chó Alaska 2 tháng tuổi đa phần chưa mọc hết răng, vả lại cơ hàm còn yếu nên hãy cho các bé ăn đồ ăn nhỏ và mềm có thể là cháo thịt xay nhuyễn từ các thit bò, thịt gà,… hoặc lấy nước hầm xương nấu cháo, lưu ý là kết hợp thêm rau củ quả đi kèm để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Đối với thức ăn khô như các loại hạt thì cần ngâm mềm khoảng 10-15 phút rồi mới cho Alaska con ăn vừa dễ tiêu hóa lại không làm tổn thương đến răng miệng. Ngoài ra, đừng quên cho các bé uống thêm sữa ấm vào các bữa phụ nữa nhé.

Chó con cơ thể còn nhỏ nên lượng thức ăn dung nạp sẽ ít hơn chó trưởng thành khá nhiều. Theo bác sĩ thú y khuyến cáo thì cần chia nhỏ các bữa ăn cho chó con khoảng 4 bữa 1 ngày tương ứng với đó 600-700 gram thức ăn. Không nên để các ăn quá no vì rất dễ dẫn đến tình trạng nôn mửa và mỗi bữa cách nhau khoảng 4- 5 tiếng.

Lưu ý khi cho Alaska ăn:

  • Đảm bảo khay đĩa được vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi ăn.
  • Không để đồ ăn thừa trong bát phòng khi các bé ăn phải đã bị bẩn hay ôi thiu.
  • Thức ăn phải được nấu chín, tuyệt đối không cho bé ăn đồ tanh sống.
  • Cung cấp đủ nước cho các bé, nên thay nước 3 lần mỗi ngày.
  • Những thực phẩm cần tránh: Hành tây, tỏi, sôcôla, trứng sống.

Vệ sinh sạch sẽ

Tắm rửa là phương pháp hữu hiệu để vệ sinh sạch sẽ cho Alaska. Sử dụng các loại sữa tắm chuyên dụng dành cho thú cưng có tác dụng làm mềm và mượt lông, khi tắm mát xa nhẹ nhàng, chú ý làm sạch kĩ ở kẽ móng chân, tay, nách những nơi vi khuẩn dễ tích tụ. Sau đó xả nhẹ nhàng với nước, mùa đông hạn chế tắm hơn và nên tắm bằng nước ấm cho Alaska con.

Thỉnh thoảng lau mặt và đánh răng cho các bé để Alaska có hơi thở thơm mát nữa nhé.

Cắt tỉa móng là phần khá quan trọng, vì nếu để yên không đả động gì móng dài sẽ gây khó khăn trong sinh hoạt cũng như đâm chọc làm tổn thương đến da. Định kì nên cắt móng khoảng 1-2 tuần một lần. Trong quá trình cắt tránh cắt quá sát móng vì sẽ khiến Alaska con đau.

Vận động mỗi ngày

Với bản tính năng động, Alaska con luôn cho thấy mình là một giống chó thừa năng lượng. Chó bình thường đã nghịch lắm rồi với Alaska con thì bạn cũng đoán được rồi đấy. Để giúp các bé được vui vẻ và hạnh phúc, hãy dành ít nhất 20-30 mỗi ngày vui chơi cùng Alaska con, dẫn bé đi dạo, chạy nhảy. Cuối tuần có thời gian thì cho bé chơi các trò chơi hay bài tập luyện như: chạy bền, nhảy cao, bơi lội,… vừa rèn luyện thể lực lại có vóc dáng cân đối. Alaska cũng giống như con người nếu bị nuôi nhốt quá nhiều sẽ trở nên bức bối, khó chịu dẫn đến cáu gắt, ương ngạnh. Do vậy, trước khi nuôi người bạn này hãy chắc chắn bản thân có đủ thời gian dành cho chúng, được sống  hạnh phúc cũng góp phần tăng tuổi thọ của chó Alaska.

Kiểm tra sức khỏe thường xuyên

Bất kì giống chó nào cũng vậy, chăm sóc sức khỏe là vô cùng quan trọng, đặc biệt những chú Alaska con sức đề kháng, đường tiêu hóa còn kém nên lại càng phải chú trọng hơn. Không nên chủ quan thấy Alakska có sức khỏe tốt mà lơ là trong việc theo dõi sức khỏe. Các căn bệnh truyền nhiễm như: Pavor, Care,… rất dễ mắc ở chó con, một khi nhiễm bệnh rồi thì tỉ lệ sống sót cực kì thấp. Do đó, cách phòng tránh bệnh tốt nhất là tiêm phòng đầy đủ cho các bé theo lịch tiêm, đưa đến bác sĩ thú y để kiểm tra sức khỏe định kì, tránh trường hợp bị bệnh mà không phát hiện kịp thời. Khi thấy Alaska có các dấu hiệu như: nôn mửa, tiêu chảy, đi ngoài ra máu, bỏ ăn,… thì cần đưa đến cơ sở thú y ngay lập tức.

Trên đây là toàn bộ kiến thức cơ bản về cách nuôi giống chó Alaska con cho người mới bắt đầu. Mong rằng thông tin là hữu ích cho các bạn và hãy bắt đầu vận dụng chúng luôn với chú chó của mình nhé. Chúc bạn thành công trên con đường nuôi dưỡng những thiên thần nhỏ của mình và cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết!