Cẩm nang nuôi chó Husky con hiệu quả cho người chưa có kinh nghiệm

Được du nhập vào Việt Nam khá sớm, Husky là giống chó ngày càng được ưa chuộng bởi vẻ ngoài đẹp lạ cùng tính cách vui vẻ, có phần ngáo ngơ của mình. Nhưng không phải ai cũng biết cách nuôi chó Husky hiệu quả. Gần đây chúng mình nhận được rất nhiều câu hỏi làm sao để nuôi chó Husky con mau lớn và khỏe mạnh. Hiểu được nỗi lòng của khách hàng ngay sau đây chúng mình xin gửi đến các bạn cẩm nang nuôi chó Husky hiệu quả được đúc kết từ nhiều năm kinh doanh dòng chó này.

Thời điểm thích hợp để nuôi chó Husky

Husky là giống chó khá nhạy cảm với thời tiết. Xuất thân từ vùng đất lạnh giá Sibir nước Nga nên những người bạn này không thật sự chịu được khí hậu nóng bức. Với nền khí hậu nóng ẩm quanh năm như nước ta, Husky vẫn dễ dàng thích nghi, tuy nhiên để chăm sóc các bé một cách tốt nhất thì, việc chọn thời điểm nuôi là điều hết sức cần thiết. Nên nhận nuôi các bé vào mùa thu mát mẻ hoặc mùa đông thì càng thuận lợi. Đối với những bạn chưa có kinh nghiệm chúng mình khuyên tránh đón chó con vào thời điểm mùa hè nóng bức.

Ngoài ra, chọn nuôi chó con từ 2 tháng tuổi trở đi cũng là mốc thích hợp nhất. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh thú cưng, Tùng Lộc Pet nhận thấy 2 tháng tuổi luôn là thời điểm phù hợp nhất để xuất chuồng các bé cún, là lúc để đưa các bé về tay chủ nhân. Ngay cả khi mua ở các địa chỉ bán chó mèo khác thì bạn cũng sẽ thấy điều tương tự. Đây là khoảng thời gian chó Husky bắt đầu cai sữa mẹ và chuyển sang ăn dặm. Dần dần tách mẹ, Husky con lúc này được tiếp xúc, học hỏi về thế giới xung quanh. Vậy nên, thời gian này không chỉ thuận tiện cho việc dạy dỗ, huấn luyện mà bạn cũng sẽ nhận được tình cảm gắn bó từ các bé hơn so với khi chúng lớn hay đã qua tay một người chủ nào đó.

Tạo môi trường sống lý tưởng

Đảm bảo cho Husky con được sống trong môi trường thoáng đãng, sạch sẽ. Chó con thì thích đùa nghịch, chạy nhảy nên cần dành cho chúng khoảng không gian sống nhất định. Lý tưởng nhất là những căn nhà có sân vườn, còn nếu ở trong chung cư thì miễn là chuồng nuôi đủ cho các bé đứng, nằm, ngồi thoải mái là được. Và quan trọng nhất như đã nói ở trên thì Husky chịu nóng kém do đó, điều kiện tiên quyết là môi trường sống phải mát mẻ, thoáng khí đồng thời đảm bảo vệ sinh sạch sẽ tránh mắc các bệnh dịch. Vào mùa hè, đặc biệt là trưa chiều không cho các bé ra ngoài chơi đùa, để Husky con ở trong nhà có điều hòa hoặc quạt và cho ăn các thực phẩm mát giúp hạ nhiệt cơ thể.

Chế độ dinh dưỡng

Thời điểm này bạn cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của chó Husky con, bởi khi còn nhỏ chăm sóc không tốt sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình phát triển về sau. Chó Husky 2 tháng tuổi đa phần chưa mọc hết răng, vả lại cơ hàm còn yếu nên hãy cho các bé ăn đồ ăn nhỏ và mềm có thể là cháo thịt xay nhuyễn từ các thit bò, thịt gà,… hoặc lấy nước hầm xương nấu cháo, lưu ý là kết hợp thêm rau củ quả đi kèm để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Đối với thức ăn khô như các loại hạt thì cần ngâm mềm khoảng 10-15 phút rồi mới cho Husky con ăn vừa dễ tiêu hóa lại không làm tổn thương đến răng miệng.

Chó con cơ thể còn nhỏ nên lượng thức ăn dung nạp sẽ ít hơn chó trưởng thành khá nhiều. Theo bác sĩ thú y khuyến cáo thì cần chia nhỏ các bữa ăn cho chó con khoảng 4 bữa 1 ngày tương ứng với đó 600-700 gram thức ăn. Không nên để các ăn quá no vì rất dễ dẫn đến tình trạng nôn mửa và mỗi bữa cách nhau khoảng 4- 5 tiếng. Kinh nghiệm là cho Husky ăn xong mà thấy các bé vẫn còn thòm thèm là được rồi.

Dưới đây là thực đơn cơ bản mà bạn có thể áp dụng theo:

  • Bữa sáng: Thức ăn khô ngâm nước hoặc sữa thì càng tốt.
  • Bữa trưa: Cháo hoặc cơm nát nhuyễn có thịt và rau củ quả xay nhuyễn trộn lẫn. Nếu bổ sung được thêm trái cây thì càng tốt.
  • Bữa chiều: Một cốc sữa ấm khoảng 600 ml.
  • Bữa tối: Thức ăn khô ngâm mềm.

Chú ý: Cần thay đổi thực đơn linh hoạt để hạn chế tình trạng chán ăn ở chó Husky con.

Làm gì khi chó Husky con bỏ ăn

Nếu chú Husky của bạn có dấu hiệu bỏ ăn thì đây cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Bạn cần kiểm tra xem thức ăn cho các bé có bị ôi thiu hay bốc mùi gì không, nếu là thức ăn sẵn thì xem còn hạn hay đã hết. Phàm ăn là thế nhưng thức ăn có biểu hiện khác lạ là cơ thể chúng cũng phản ứng lại ngay đó. Ngoài ra, rất có thể Husky con đã chán với chế độ dinh dưỡng hiện tại, ăn quá nhiều một món cũng khiến chúng chán dẫn đến bỏ ăn. Lúc này điều bạn cần làm là thay đổi các món ăn khác nhau để tăng khẩu vị cho Husky. Một trường hợp có thể kể đến nữa là khả năng cao chú chó của bạn đang gặp vấn đề sức khỏe. Đặc biệt nếu biểu hiện bỏ ăn đi kèm với các triệu chứng mệt mỏi, đi ngoài, lười đi lại thì ngay lập tức hãy đưa Husky đến cơ sở thú ý để được chẩn đoán và khám chữa bệnh phòng trường hợp xấu xảy ra.

Những điều cần lưu ý khi chó Husky con ăn:

  • Đảm bảo khay đĩa được vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi ăn.
  • Không để đồ ăn thừa trong bát phòng khi các bé ăn phải đã bị bẩn hay ôi thiu.
  • Thức ăn phải được nấu chín, tuyệt đối không cho bé ăn đồ tanh sống.
  • Cung cấp đủ nước cho các bé, nên thay nước 3 lần mỗi ngày.
  • Những thực phẩm cần tránh: Hành tây, tỏi, sôcôla, trứng sống.

Chăm sóc lông

Thuộc giống chó lông dài nên chăm sóc lông lại càng cần thiết. Một bộ lông đẹp sẽ mang lại tính thẩm mỹ và khiến chú chó của bạn trở nên thu hút hơn. Chó con khi còn nhỏ thì không cần tắm quá nhiều tháng 1-2 lần là đủ rồi vì tắm nhiều quá cũng khiến lông xơ rối và mất đi lớp dầu tự nhiên. Trong quá tình tắm sử dụng các loại sữa tắm chuyên dụng cho thu cứng, mát xa nhẹ nhàng, chú ý làm sạch kĩ ở kẽ móng chân, tay, nách những nơi vi khuẩn dễ tích tụ. Sau đó xả nhẹ nhàng với nước, mùa đông hạn chế tắm hơn và nên tắm bằng nước ấm cho Husky con.

Khi tắm rửa sạch sẽ xong, dùng khăn khô lau sạch người cho bé rồi lấy máy sấy sấy khô lông. Nhiều bạn tắm xong cứ kệ ấy như thế là không được đâu, để lâu nước ngấm vào người rất dễ mắc bệnh cảm lạnh hay viêm phổi. Những ngày trời mưa cũng thế, dính nước mưa lông chó dày lại khó thoát hơi nên bạn cũng cần chú ý đến việc sấy khô lông.

Bên cạnh đó, hãy chải lông cho Husky mỗi ngày để loại bỏ phần lông rụng đồng thời kích thích mọc lông mới. Đối với những phần lông rối thì dùng tay gỡ từ từ, tránh giằng giật làm bé đau. Cũng nên cắt tỉa lông cho Husky để có diện mạo gọn gàng hơn cũng như hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Bạn có thể cắt tỉa theo video hướng dẫn ở trên mạng nhưng tốt hơn hết là hãy đưa các bé đến Spa để được chăm sóc từ đầu đến chân nha.

Cắt tỉa móng chân

Cắt tỉa móng là phần khá quan trọng, vì nếu để yên không đả động gì móng dài sẽ gây khó khăn trong sinh hoạt cũng như đâm chọc làm tổn thương đến da. Định kì nên cắt móng khoảng 1-2 tuần một lần, nếu không có kinh nghiệm thì hãy hỏi những người có kinh nghiệm hay đưa đến bác sĩ thú y. Trong quá trình cắt tránh cắt quá sát móng vì sẽ khiến Husky con đau.

Vận động

Với bản tính năng động, Husky con luôn cho thấy mình là một giống chó thừa năng lượng. Chó con bình thường đã nghịch lắm rồi với Husky con thì bạn cũng đoán được rồi đấy. Để giúp các bé được vui vẻ và hạnh phúc, hãy dành ít nhất 20-30 mỗi ngày vui chơi cùng Husky con, dẫn bé đi dạo, chạy nhảy. Cuối tuần có thời gian thì cho bé chơi các trò chơi hay bài tập luyện như: bắt bóng, nhảy cao,… Nếu bạn để Husky trong nhà quá lâu, các bé sẽ cảm thấy bức bối, khó chịu từ đó sinh ra những hành vi phá phách đồ đạc hay ngang ngược, khó dạy bảo. Mà Husky nổi tiếng là giống chó ngáo và cực kì tăng động. Vậy nên, trước khi quyết định nuôi một chú Husky con hãy chắc chắn là bạn có đủ thời gian để vui chơi cùng bé nhé.

Chăm sóc sức khỏe

Tuổi thọ của chó Husky khá dài từ 12-14 năm, nhìn chung được đánh giá là giống chó khỏe, dễ nuôi và không quá cầu kì trong việc chăm sóc. Tuy nhiên, chủ nuôi cần chú ý một số vấn đề sức khỏe hay gặp ở chó Husky con: viêm da, pavorvirus,… Đặc biệt là các bệnh về mắt có thể kể đến là: đục thủy tinh thể, teo võng mạc,… Do đó, hãy thường xuyên kiểm tra mắt các bé và vệ sinh sạch sẽ bằng thuốc nhỏ mắt chuyên dụng nhé.

Không nên chủ quan thấy Husky có sức khỏe tốt mà lơ là trong việc theo dõi sức khỏe. Cách phòng tránh bệnh tốt nhất là  tiêm phòng đầy đủ cho các bé theo lịch tiêm, đưa các bé đến bác sĩ thú y để kiểm tra sức khỏe định kì, tránh trường hợp bị bệnh mà không phát hiện kịp thời. Khi thấy Husky có các dấu hiệu như: nôn mửa, tiêu chảy, đi ngoài ra máu, bỏ ăn,… thì cần đưa đến cơ sở thú y ngay lập tức.

Huấn luyện

Husky nổi tiếng là giống chó ngáo, khá ương ngạnh đôi khi là khó bảo. Chỉ cần không làm hài lòng là chúng rất dễ cắn phá đồ đạc trong nhà. Cho nên, việc huấn luyện Husky nhất là khi còn nhỏ – giai đoạn dễ uốn nắn là điều vô cùng cần thiết. Hãy bắt đầu bằng các bài huấn luyện đơn giản như: cho chó đi vệ sinh đúng chỗ, không sủa bừa, sủa linh tinh, chủ gọi nhận biết được và chạy lại, bắt tay,…

Điều quan trọng nhất là bạn cần phải cho Husky làm quen và giao lưu ngay từ nhò. Việc xã hội hóa dạy cho chó Husky con của bạn cách tương tác đúng đắn với các khía cạnh khác nhau trong môi trường của chúng (ví dụ: con người, những con chó khác), điều này sẽ giúp chúng phát triển thành một chú chó Husky trưởng thành, tự tin và ngoan ngoãn. Cho phép chó con của bạn dành thời gian ở gần những con người và trải nghiệm các điểm tham quan với âm thanh khác nhau.

Để việc huấn luyện suôn sẻ hơn bạn có thể cho cún tiếp xúc với các tình huống khác nhau trong môi trường sống, chẳng hạn như âm thanh của xe ô tô chạy qua và tiếng còi xe. Bạn cũng có thể mời bạn bè đến để giúp anh ấy thoải mái với những người mới. Đưa chó con đi chơi công viên là một cách hay khác để chúng tiếp xúc với những người, địa điểm và âm thanh khác nhau. Quan sát chú cún cưng Husky của bạn khi chúng khám phá thế giới mới của mình. Nếu Husky tỏ ra sợ hãi hoặc cảnh giác với một số trải nghiệm nhất định, đừng tiếp tục để chúng tiếp xúc với những tình huống đó nữa.

Và làm gì thì phải có thưởng, có phạt cái gì cũng thế. Mỗi lần bé làm tốt hãy khích lệ bằng cách vỗ tay hoặc thưởng cho bé đồ ăn hay đồ chơi,… Ngược lại, làm sai nên có biện pháp răn đe để lần sau không tái phạm. Đối với chó Husky đòi hỏi người nuôi cần phải kiên nhẫn trong huấn luyện, chớ nóng vội hay đánh các bé. Bởi Husky cũng giống như những đứa trẻ cần được dạy bảo từ từ, nếu dùng biện pháp mạnh sẽ khiến bé trở nên sợ hãi, rụt rè. Trong cương có nhu, trong cứng có mềm vận dụng linh hoạt thì chúng mình tin rằng bạn sẽ có một chú thú cưng ngoan ngoãn, tình cảm và tuyệt vời.

Trên đây là toàn bộ kiến thức cơ bản về cách nuôi giống chó Husky con cho người mới bắt đầu. Mong rằng thông tin là hữu ích cho các bạn. Chúc bạn có những giây phút vui vẻ bên những chú thú cưng đáng yêu của mình!