Tùng Lộc Pet – Nhờ có đàn chó kéo xe dũng cảm di chuyển nhanh gấp 4 lần băng qua bão tuyết, mạng sống của 10.000 người trong thị trấn cuối cùng cũng được cứu.
Vào thời điểm năm 1925, lúc thị trấn Nome ở Alaska (Hoa Kì) rơi vào cái rét khắc nghiệt nhất lịch sử, đại dịch bạch hầu (diphtheria) cực kì nghiêm trọng đã bùng nổ. Để cứu sống toàn bộ thị trấn, đội chó kéo xe phải di chuyển nhanh gấp 4 lần vận tốc thông thường, băng qua thời tiết lạnh giá để kịp thời đem huyết thanh về cho những người dân mắc bệnh, cứu sống 10.000 sinh mạng tại thị trấn.
Dịch bệnh bạch hầu đã bùng phát tại thị trấn Nome vào một thời điểm không ai ngờ tới, lúc nơi đây hoàn toàn bị cô lập trong cái lạnh dữ dội nhất lịch sử, những trận bão tuyết xuất hiện liên tục khiến không một cư dân nào có thể ra ngoài và mang về thị trấn huyết thanh chữa bệnh.
Được biết, bạch hầu là chứng bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra bởi vi khuẩn, làm suy giảm trầm trọng chức năng hô hấp. Bệnh lây truyền qua các dịch tiết của người bệnh hoặc vết thương hở, nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Lúc bấy giờ, các bác sĩ chẩn đoán rằng nếu không có huyết thanh, tỉ lệ tử vong của thị trấn Nome sẽ là 100%. Tuy nhiên, nơi có thể lấy được huyết thanh gần nhất cũng cách Nome đến 1.085km, chính vì vậy mà việc dân làng thoát chết dường như là bất khả thi.
Cuối cùng, vào 24/01/1925, trưởng trạm y tế ở Nome đã quyết định nhờ đến dịch vụ chó kéo xe để mang huyết thanh từ Nenana về đến Nome. Nhận được nhiệm vụ, đội dịch vụ vận chuyển thường sử dụng chó để đưa thư khắp Alaska ngay lập tức điều động 20 đội “cẩu binh” tinh nhuệ lên đường. Trong đó, Seppala Leonhard là người sẽ chỉ huy đoàn chó kéo xe hoàn thành sứ mệnh.
Theo ước tính, cả hành trình đi lẫn về sẽ mất khoảng 25 ngày, ngặt nỗi huyết thanh chỉ có thể tồn tại được trong 6 ngày do thời tiết quá khắc nghiệt. Chính vì vậy, đội chó kéo xe phải di chuyển với vận tốc nhanh gấp 4 lần bình thường. Thử thách đầu tiên mà cả đội phải đối mặt chính là đừng để bị cái lạnh giết chết.
Điều này dường như không đáng lo với chúng bởi vì đội “cẩu binh” thuộc giống Siberian Husky, loài chó có bộ lông cực kì dày, có khả năng giữ ấm cơ thể rất cao. Mỗi chú chó thường sẽ cuộn tròn lại rồi dựa vào tường, dùng cái đuôi xù phủ lên muỗi để giữ ấm hơi thở vào ban đêm. Ngoài ra, chân của chúng còn có lớp lông bao phủ để hạn chế hơi lạnh xâm nhập khi tiếp xúc với băng tuyết.
Tính đến ngày 31/01/1925, đội chó kéo xe đã đi được quãng đường dài 274km từ Nome, tuy nhiên chỉ còn có 2 ngày nữa huyết thanh sẽ không còn tác dụng. Lúc này, Seppala quyết định sẽ băng qua lối tắt ở Norton Sound – một trong những dòng sông băng thường xuyên thay đổi thất thường. Khó khăn ngày càng chồng chất khi một trận bão tuyết đột ngột kéo đến khiến Seppala bị mất phương hướng, phải phụ thuộc hoàn toàn vào chú chó đầu đàn Togo. Họ đã cùng vượt qua cơn bão khủng khiếp ấy và di chuyển được 560km. Vì di chuyển quá sức nên sau khi kết thúc nhiệm vụ, Togo đã không bao giờ có thể chạy được nữa.
Khi đến được nơi có huyết thanh, Seppala nghĩ rằng mình vẫn chưa đến đích. Mãi đến khi đội tiếp ứng của Henry Ivanoff hét lên Seppala mới nhận ra. Sau khi biết được về diễn biến hiện tại của dịch bệnh, Seppala quyết định chạy thẳng về thị trấn thông qua lối đi tắt cũ. Chỉ trong vòng 1 ngày, họ đã đi được 135km với vận tốc 13km/h. Suốt đêm đó, đội chó kéo xe phải di chuyển băng qua sức gió 105km/h trong nhiệt độ -40 độ C. Cuối cùng, vào 3h chiều ngày 01/02/1925, huyết thanh được chuyển đến tay Charlie Olsen và đến 7h chiều, huyết thanh đã được chuyển cho đội chó của Gunnar Kaasen, chính chú chó đầu đàn Balto đã đưa huyết thanh về với Nome, cứu sống sinh mạng của 10.000 người dân.