Có thể bạn chưa biết: Bệnh ho cũi chó

Trong quá trình chăm sóc cún cưng, việc các bé mắc phải các bệnh là điều không thể tránh khỏi. Hiểu được nỗi lo lắng của các bạn yêu cún, sau đây Tùng Lộc Pet xin đưa ra một căn bệnh mà phần lớn các bé cún hay gặp phải đó là bệnh ho cũi chó.

Bệnh ho cũi chó là gì?

Bệnh ho cũi chó là từ được dùng chung cho các vấn đề ở đường hô hấp trên phổ biến nhất ở chó. Bệnh gây ra nhiều nhất ở chó dưới 6 tháng tuổi, chó nhập từ nước ngoài, chó chuyển vùng vào đợt đợt rét lạnh, ẩm ướt hoặc chó bị nhiều stress bất lợi khác… đều có khả năng mang căn bệnh ” Viêm khí quản- phế quản truyền nhiễm” – Infectious Trachebronchitis – hay còn gọi là “Bệnh ho khan” “ho như tiếng ngỗng kêu”, một số tài liệu dịch sang Tiếng Việt là “Bệnh Ho ở cũi chó” (Tiếng Anh: Kennel Cough).

Nguyên nhân gây bệnh

Do Virus Canine parainfluenza kết hợp với một số vi khuẩn khác ở đường hô hấp như: Bordetella bronchiseptica… Mycoplasma.

Triệu chứng và phương thức lây lan

Bệnh lây lan nhanh làm chết nhiều chó với các triệu chứng ho khạc kéo dài từ 7- 21 ngày do viêm đường hô hấp trên, mặc dù lúc đầu vẫn ăn khỏe, nhanh nhẹn, không sốt, khó có thể biết chó đã mang bệnh. Quan sát kỹ: mắt không trong sáng, có rử ghèn, gương mũi luôn luôn khô, ráp và chảy dịch xanh, hay liếm mũi rồi nuốt dịch, hắt hơi khi có nhiều dịch chảy ra…bệnh chuyển sang mạn tính, chó gầy sút nhanh do kế phát các bệnh vi khuẩn, virus khác: Parvovirus, Carre… tiêu chảy, phân nát có nhày máu, hôi tanh, nôn ra dịch nhớt vàng từ dạ dày lẫn nhớt, rối loạn chức năng gan, thận và chết đột ngột do khó thở, trụy hô hấp, mất nước và trụy tim mạch.

Khi mắc bệnh ho cũi chó bé biểu hiện mũi chảy dịch xanh…
… hay mắt đục và có rử ghèn

Bệnh thường diễn biến kéo dài tới nhiều tuần, thậm chí tới 2 tháng. Những con được chữa trị theo triệu chứng, tưởng chừng đã khỏi, sau vài tuần bị lại, tỷ lệ tử vong rất cao. Giai đoạn cuối của bệnh khi sức đề kháng giảm sút, chó chuyển sang: tiêu chảy có máu, loạng choạng, run rẩy, xuất hiện từng cơn co giật động kinh.

Bệnh lây thông qua môi trường, dụng cụ chăn nuôi, chất thải ô nhiễm hoặc tiếp xúc trực tiếp giữa chó mang trùng và chó khỏe, đặc biệt các nơi tập trung nhiều chó nguồn gốc khác nhau hoặc không rõ nguồn gốc. Các giống chó ngoại như: Saint Bernard, Tibetan Mastiff ( Thần khuyển Tây tạng ), Bulldog, Phốc sóc, Husky, Dachshund, Pug… sức đề kháng kém hơn chó địa phương tỷ lệ mắc bệnh và tử vong khá cao. Chó nuôi tại miền Bắc khí hậu lạnh và ẩm ướt mắc bệnh trầm trọng và khó chữa hơn chó nuôi ở miền Nam.

Chẩn đoán bệnh “Viêm khí quản – phế quản truyền nhiễm”

Chủ yếu căn cứ triệu chứng lâm sàng và Dịch tễ học (phương thức lây lan). Chẩn đoán xét nghiệm phân lập virus, vi khuẩn trong phòng thí nghiệm kết quả không cao và không kịp thời. Chụp X-quang phổi chỉ rõ khi đã mắc bệnh kéo dài viêm phổi kế phát do vi khuẩn.

Phòng bệnh 

Vaccine phòng bệnh này có trong liều vaccine đa giá các loại: 3-4-5-6-7 bệnh đang lưu hành trên thị trường, nhưng hiệu quả miễn dịch thấp, việc tiêm vaccine đúng quy trình và đủ lần tiêm cho chó dưới 6 tháng tuổi cực kỳ quan trọng để ngừa bệnh lây lan. Các Bác sỹ thú y khuyến cáo: nên tiêm vaccine phòng bệnh parainfluenza 6 tháng 1 lần ngay cả với chó trưởng thành.

Biện pháp nuôi cách ly ít nhất 2 tuần những con chó mới về chưa có an toàn dịch, tẩy trùng và để trống khu nuôi có dịch một thời gian là rất cần thiết. Giữ ấm, khô ráo, chế độ ăn hợp lý, đủ chất dinh dưỡng có giá trị tăng sức đề kháng, tăng hiệu quả miễn dịch.

phòng bệnh ho cũi chó
Để phòng bệnh ho cũi chó nên kết hợp tiêm phòng, giữ nơi ở sạch sẽ, khô thoáng kết hợp ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng cho cún

Điều trị bệnh ho cũi chó

Không có thuốc đặc hiệu. Phần lớn điều trị theo triệu chứng: Truyền bù dịch và điện giải, năng lượng, kháng sinh chống các bệnh kế phát, trợ sức, hỗ trợ hô hấp và chăm sóc đặc biệt.

ho cũi chó
Truyền bù dịch và điện giải, năng lượng, kháng sinh,… là các phương pháp thường sử dụng để kìm hãm bệnh ho cũi chó

Bài viết được tham khảo từ vị bác sĩ Thú y Hoàng Ngọc Báu – người có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành thú y và chuyên trị những ca bệnh khó cho thú nuôi. Mong rằng bài viết sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho các bạn để từ đó có thể chăm sóc các bé tốt hơn và tận hưởng những giây phút vui vẻ bên thú cưng của mình.

(Nguồn: Bác sĩ Thú y Hoàng Ngọc Báu)

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!