Căn bệnh Lepto ở chó các chủ nuôi nhất định phải biết
Bệnh Lepto ở chó là nỗi ám ánh đối với những người nuôi cún bởi nó không chỉ mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho chú chó của bạn mà còn có thể lây lan sang người. Vậy nguyên nhân bệnh bắt nguồn từ đâu, biểu hiện ra sao cũng như cách phòng tránh thế nào? Hãy cùng Tùng Lộc Pet tìm hiểu kĩ hơn về căn bệnh Lepto ở chó trong bài viết dưới đây nhé!
Lepto ở chó là bệnh gì?
Xoắn khuẩn Lepto ở chó
Do một loại vi khuẩn hình xoắn lò xo, còn gọi là “xoắn khuẩn” gây bệnh dịch không những ở chó, mèo, động vật hoang dã: cáo, chồn, chuột,… mà còn nguy hiểm lây sang người với các triệu chứng sốt giống như bệnh cúm, tổn thương gan, thận, phổi thậm chí gây viêm não, báng bụng, vàng da. Ở lợn còn gọi là bệnh “lợn nghệ” do viêm gan, rối loạn tiết mật, vàng da là màu của sắc tố mật trong máu.
Nguyên nhân
Bệnh Lepto ở chó do virus Leptospira gây ra. Đây là một loại virus nguy hiểm, có hình xoắn lò xo nên còn được gọi là “xoắn khuẩn” nên bệnh này còn được gọi là bệnh xoắn khuẩn. Bệnh thường bùng phát mạnh mẽ vào mùa hè, mùa thu, nhất là sau những trận lũ lụt.
Đường lây bệnh? Bệnh Lepto ở chó có lây sang người không?
Bệnh có ở khắp nơi trên thế giới, nhưng trầm trọng nhất là vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Tuy không lây lan mạnh và làm chết nhiều chó như dịch Carre, Parvo nhưng nếu mắc nhiễm sẽ bị viêm gan, báng bụng, vàng da rối loạn toàn thân và tử vong.
Phương thức lây truyền của bệnh là từ nước tiểu động vật hoặc từ nước hoặc đất nhiễm nước tiểu động vật thâm nhập vào cơ thể qua vết xước trên da, mắt, mũi, hoặc miệng. Ngoài ra, chó có thể mắc bệnh do ăn thịt sống, tiếp xúc với chó bị bệnh. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, Leptospira sẽ vào hệ thống tuần hoàn để sinh sản, phát triển, tiết độc tố phá hủy hồng cầu làm cho niêm mạc nhợt nhạt, con vật thiếu máu, đái ra máu hoặc huyết sắc tố.Độc tố Leptospira phá hủy thành mạch quản dẫn đến hiện tượng xuất huyết, thấm tương dịch gây phù nề, thủy thũng ở tổ chức liên kết dưới da. Từ máu, xoắn khuẩn Leptospira đến gan, thận.
Nguy cơ lây bệnh cho người (chủ nuôi) rất cao qua đường bài tiết nước tiểu của chó, vi khuẩn Lepto phát tán, tiếp xúc qua da xâm nhập vào cơ thể người. Nước tiểu động vật mang trùng Lepto theo đường nước mưa tự nhiên vào sông, suối, nước ngầm môi trường, chó mèo, động vật khác hoặc người bơi lội, tắm hoặc uống phải cũng phát dịch bệnh.
Bệnh Lepto ở chó có thể lây sang người
Triệu chứng bệnh Lepto ở chó ?
Bệnh thường xảy ra ở chó dưới 2 năm tuổi và động vật non, mèo thì hãn hữu mới bị. Khó nhận biết triệu chứng ban đầu bệnh Lepto ở chó vì không có các triệu chứng đặc trưng, rất dễ lẫn với dấu hiệu của nhiều bệnh khác. Thậm chí vài trường hợp, lúc đầu chó cũng không hề có triệu chứng bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 5-14 ngày, thậm chí tới 30 ngày.
Một chú chó mắc bệnh Lepto
Các triệu chứng lâm sàng thường gặp là: Sốt 40-41 độ C, bỏ ăn, nôn ói, đau bụng dữ dội, mệt mỏi, ủ rũ. Lâu ngày có thể phát hiện màu vàng ở niêm mạc mắt, vùng da bụng ít hoặc không có lông. Bụng phình như có bầu sắp sinh báng nước, thể bệnh mãn tính chó vẫn ăn uống nhưng rất gầy, gồ nhô sống lưng, tiêu chảy kéo dài, đái ít, nước tiểu sánh đặc màu nâu sẫm. Chó sẽ chết do có những rối loạn, suy sụp toàn thân, trụy hô hấp, tim mạch. Cụ thể ta có thể chia làm 2 thể:
Thể thương hàn: Vật bệnh có biểu hiện xuất huyết trầm trọng viêm kết mạc mắt với những điểm xuất huyết ở da và niêm mạc, ói ra máu và phân sậm màu có máu, thú bị mất nước rất nhanh và chết trong 24 ngày cùng với giảm thấp thân nhiệt, thường thấp hơn bình thường. Xuất huyết da và các niêm mạc.
Thể hoàng đản: Chó bệnh có biểu hiện viêm kết mạc mắt, hoàng đản, vàng da khó thở tăng dần cùng với kém ăn, ói mửa, nếu không chữa trị trong giai đoạn cuối chó có sự tăng cao nhiệt độ khó thở, hơi thở hôi. Tiêu chảy đôi khi xuất huyết và những biểu hiện viêm não trước khi hắt hơi, thú chết trong khoảng 5-8 ngày mắc bệnh. Da vàng ở bụng, gang bàn chân, lỡ tai, niêm mạc vàng.
Làm gì khi nghi chó mắc bệnh Lepto?
Mang đến phòng khám để điều trị và tư vấn ngay bởi chỉ có bác sỹ thú y đã qua huấn luyện và dày dặn kinh nghiệm mới có khả năng tiến hành những phép chẩn đoán thích hợp để xác định bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Dựa vào những chẩn đoán, bác sỹ sẽ kê toa thuốc phù hợp.
Nhốt riêng cách ly, quản lý chặt chẽ nguồn phân, nước tiểu của chó. Tránh để chất thải của chó tiếp xúc trực tiếp vào da của người, không cho trẻ con chơi đùa với chó nghi bệnh Lepto.
Bệnh Lepto ở chó có chữa được không?
Hiện nay, bệnh Lepto ở chó có thể chữa được nhưng chỉ hiệu quả khi bệnh được phát hiện sớm. Tốt nhất là nên đưa chó đến phòng khám thú y luôn để được điều trị. Trước tiên chó sẽ truyền dịch bù điện giải để cơ thể không bị mất nước cũng như bổ sung vitamin, khoáng chất và dinh dưỡng khoa học. Người ta dùng kháng sinh Penicilline hoặc Doxycycline tiêm bắp hoặc truyền vào tĩnh mạch. Nếu chó của bạn bị nôn, chúng có thể uống thuốc chống nôn và dùng ống thông dạ dày để cho chó ăn nếu chó không ăn được hoặc ăn vào là nôn.
Cách phòng bệnh
Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Tuy nhiên các chủ nuôi cần lưu ý hiện nay có vaccine phòng bệnh Lepto, trên nhãn lọ vaccine ghi chữ “L” viết tắt chữ cái đầu tên bệnh “Leptospirosis” không an toàn bằng các loại vaccine khác, vaccine Lepto có thể gây phản ứng dị ứng cho chó sau khi tiêm. Tiêm 1 năm 1 lần, ở những vùng nguy hiểm có dịch Lepto xảy ra thường xuyên thì tiêm 6 tháng 1 lần. Vì Xoắn khuẩn Lepto có nhiều chủng (serotype) nên tiêm vaccine Lepto chế từ chủng nào chỉ miễn dịch với chủng đó, nghĩa là khả năng tiêm phòng rồi, chó vẫn bị nhiễm bệnh do chủng xoắn khuẩn khác tấn công.
Không được để chó bơi lội ở những ao, vũng, sông suối bởi đây là nơi cư trú yêu thích của mầm bệnh.
Huấn luyện các thói quen tích cực cho chó, không để nó thực hiện những hành vi bản năng như ngửi mùi nước tiểu, phân của các loại động vật khác.
Vệ sinh nơi ở, khử trùng chuồng trại thường xuyên bằng các dung dịch tẩy rửa.
Cung cấp, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để chó có sức đề kháng tốt nhất.
Hạn chế để nó tiếp xúc với những khu vực công cộng, môi trường ẩm ướt, nhất là sau những trận mưa lớn, lũ lụt.
Không tiếp xúc với chó bị bệnh.
Lời kết
Bệnh Lepto ở chó tuy không nguy hiểm và gây tử vong hàng loạt như Parvo hay Care song chúng vẫn đe dọa sức khỏe, tính mạng của vật nuôi nếu không được điều trị kịp thời và đặc biệt có thể lây lan sang người. Do đó, mỗi chủ nuôi cần có biện pháp phòng ngừa và bảo vệ chú chó của mình khỏi căn bệnh này bởi nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cún mà còn đe dọa đến sức khỏe của chính gia đình bạn. Hi vọng rằng những thông tin trong bài viết này đã phần nào đó hỗ trợ bạn chăm sóc thú cưng tốt hơn trước sự tấn công bất ngờ của xoắn khuẩn Lepto.